Thời gian làm việc: Thứ Hai - Chủ Nhật, 08:00 - 19:00
Hỗ trợ khách hàng: (+84) 941280956 - (+84) 909466628 - Email: info@canadafile.vn
I. Quy định của pháp luật về giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng
Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định:
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng” (khoản 2 Điều 14).
Quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là một trong những điểm mới quan trọng được bổ sung vào Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu của cải cách tư pháp. Nội dung của quy định này được hiểu là Tòa án trong phạm vi trách nhiệm của mình phải xem xét giải quyết các vụ việc dân sự theo yêu cầu của đương sự mà không được từ chối giải quyết vì lí do chưa có điều luật để áp dụng nhằm bảo vệ triệt để quyền khởi kiện, quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, không phải tất cả yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều được Tòa án thụ lý giải quyết cũng như việc giải quyết có thể thực hiện một cách tùy tiện, trái với nguyên tắc Tòa án xét xử theo pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015, phạm vi những yêu cầu sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết đã được giới hạn đó là “vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và lúc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết thì chưa có điều luật để áp dụng”. Đồng thời, để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng vừa linh hoạt, vừa đúng pháp luật, BLTTDS 2015 đã quy định rõ trình tự, thủ tục và nguyên tắc giải quyết đối với những vụ việc nêu trên. Theo đó, BLTTDS 2015 đã dành riêng Mục 3 Chương III với ba điều luật (từ điều 43 đến điều 45) để quy định cụ thể về vấn đề này.
II. Trách nhiệm giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng
1. Điều kiện Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự
Không phải tất cả các trường hợp khi người dân có đơn khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là Tòa án đều thụ lý giải quyết. Tòa án chỉ có trách nhiệm thụ lý vụ việc dân sự nếu vụ việc dân sự đó thoả mãn đồng thời các điều kiện sau đây:
• Quan hệ được yêu cầu giải quyết thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự ;
• Quan hệ được yêu cầu giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo thủ tục tố tụng dân sự, tức là quan hệ đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức khác hoặc không được giải quyết ở Tòa án theo thủ tục khác như thủ tục tố tụng hành chính, thủ tục tố tụng hình sự, thủ tục tuyên bố phá sản;
• Quan hệ được yêu cầu giải quyết chưa có điều luật áp dụng.
2. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng
2.1. Áp dụng tập quán
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán. Tập quán được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự khi có đủ các điều kiện sau:
(1) Các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về nội dung giải quyết vụ việc dân sự đó;
(2) Tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS 2015.
2.2. Áp dụng tương tự pháp luật
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án áp dụng tương tự pháp luật trên cơ sở đã xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự và xác định có quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Việc áp dụng tương tự quy phạm pháp luật chỉ có thể được tiến hành khi có đủ những điều kiện nhất định. Đó là những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc, tức là vụ việc đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
Thứ hai, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (vì có như vậy thì mới có thể được phép áp dụng pháp luật tương tự) nhưng có quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì khi đó thì mới có thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật).
2.3. Áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng
2.3.1. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 BLDS 2015, cụ thể là:
(1) Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản;
(2) Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng;
(3) Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực;
(4) Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;
(5) Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
2.3.2. Án lệ
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự.
2.3.3. Lẽ công bằng
Khác với nhiều quốc gia thuộc hệ thống Common Law, nguyên tắc xét xử theo Lẽ công bằng của nước ta hiện chỉ được quy định trong BLDS 2015. Việc áp dụng Lẽ công bằng cũng hết sức hạn chế. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng Lẽ công bằng trong trường hợp không có tập quán và cũng không thể áp dụng được nguyên tắc tương tự pháp luật.
Ngoài ra để có thể áp dụng được lẽ công bằng trong xét xử thì lẽ công bằng đó phải phù hợp với tính chất vụ án, và nhận được sự đồng ý, tán thành cho phép áp dụng của các bên để đảm bảo thống nhất không gây ra mâu thuẫn.
Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.
Trường hợp còn bất cứ câu hỏi nào chưa được giải đáp hoặc có thắc mắc cần tư vấn, trợ giúp của các Luật sư, tư vấn viên, Quý vị có thể liên hệ trực tiếp tới Công ty Cổ phẩn tư vấn nhập cư Ways to Canada qua địa chỉ email: info@canadafile.vn hoặc Hotline tư vấn: (+84) 941 280 956